TOP 10 MÓN ĂN ĐẶC SẢN CỦA TÂY NAM BỘ
Miền Tây "hào sảng" được nhắc đến qua những trang văn, vần thơ không chỉ bởi vẻ đẹp sông nước hữu tình, mà còn bởi những món ngon nổi tiếng giữ chân người đến thăm. Nếu có dịp về miền sông nước này, đừng quên thưởng thức vị ngọt thịt của cá lóc nướng chui, vị cay cay chát chát của rau đắng sau hè ăn kèm lẩu mắm... Chỉ tưởng tượng thôi đã thấy thèm.
1. Canh chua bông điên điển
Chắc hẳn nếu đã nghe bài “Bông điên điển” của Phi Nhung, bạn có từng khao khát được về miền Tây mùa nước nổi để tận tay hái loại hoa này về nấu canh chua? Bông điên điển có vị vừa ngọt vừa bùi, sắc hoa có màu vàng tươi rất đặc trưng.
Mùa mưa, cả nhà ngồi sum họp trên ghe xuồng, còn gì hạnh phúc hơn khi được ngồi húp sùm sụp bát canh chua bông điên điển vừa cay vừa nóng. Gắp miếng cá bông lau "béo ngậy" đưa vào miệng, bạn sẽ cảm nhận được cả vị ngọt của thiên nhiên đất trời trong từng sớ thịt trắng phau. Bông điên điển là sản vật thiên nhiên được trồng nhiều nhất ở Hậu Giang, có dịp về đây, đừng quên thưởng cho mình món ngon đậm chất miền Tây này nhé!
2. Cá lóc nướng trui
Đây là món ăn đã quá nổi tiếng và quen thuộc đến nỗi, nếu ai đã từng một lần đến miền Tây đều khát khao thưởng thức cho bằng được miếng cá lóc nướng trui thơm lừng. Điều làm nên nét riêng của món cá nướng này chính là thành phần và cách chế biến có một không hai của nó. Cá lóc để nướng phải là loại cá lóc đồng bắt ở các khe suối hoặc thửa ruộng khi vừa gặt lúa xong, mỗi con ít nhất phải nặng 500 gram.
Cách nướng cũng rất độc đáo, người ta không đặt trên vỉ nướng hay lò viba như trong thành phố mà dùng que tre hoặc thanh trúc xiên qua từng con từ đuôi ra lòng cá, sau đó đặt lên bếp nướng bằng rơm hoặc bã mía. Chờ cho đến khi vảy cá cháy đen, lớp thịt bên trong chín đều, người ta làm sạch bộ đồ lòng của cá rồi chấm với nước mắm tỏi ớt.
Tranh thủ ăn khi còn nóng, bạn sẽ ngất ngây với vị ngọt dai của miếng cá lóc còn vương mùi rơm khói, quyện cùng hương nước mắm đặc trưng thơm lừng tỏi ớt. Cá lóc nướng trui có nhiều ở miền Tây nhưng ngon và đặc biệt nhất phải kể đến An Giang. Bạn có thể chạy vào trung tâm TP. Long Xuyên, ghé một quán ăn đặc sản bất kì và tận hưởng vị ngon của món cá lóc nướng trui này nhé!
3. Đuông dừa
Đuông dừa là tên của một loại ấu trùng chuyên sống trên thân cây dừa, cau...có rất nhiều ở miền Tây Nam Bộ, có màu trắng, béo tròn. Để bắt được nó, người ta phải đốn hạ cả cây dừa vì nó nằm sâu bên trong củ hũ dừa. Đuông dừa có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như: đuông chiên giòn, gỏi đuông tầu hũ dừa, đuông lăn bột... Đuông dừa lớn lên nhờ vào ăn hũ dừa nên khi ăn bạn luôn cảm nhận thấy vị béo thơm rất dễ chịu chứ không giống như vị béo của mỡ động vật.
Đây là một loại thức ăn bổ, sạch, chứa nhiều protein và cung cấp nhiều vitamin A, C, B1, chống lão hóa, tăng cường sức khỏe. Dĩ nhiên, đuông dừa ngon và nhiều nhất thì phải nhắc đến Bến Tre - thủ phủ của dừa. Nếu có dịp tới nơi này, hãy thử món đuông dừa bạn nhé!
4. Bánh xèo miền Tây
Nghe đến cái tên đã biết rằng đây là một món ăn đặc sản của miền sông nước. Khác với bánh xèo ở các tỉnh miền Trung, bánh xèo miền Tây khi ăn không cần cuốn bánh tráng mà ăn trực tiếp với nhiều loại rau khác nhau như tía tô, rau húng đứng, xoài non, lá cách, cải xanh... Tùy vào sở thích, nhân bánh xèo có thể làm từ giá, bông điên điển, thịt ba rọi, tép, thịt gà... Đặc biệt, người miền Tây không ăn bánh xèo một mình mà tụ họp quây quần từng nhóm nhỏ. Đợi chiếc bánh vừa đúc ra lò còn nóng hổi, vị thơm của rau rừng cùng hương nước chấm đặc trưng càng khiến người ăn không thể quên được.
Ở miền Tây, bất cứ nhà nào cũng có thể đổ được bánh xèo mang đặc trưng riêng của vùng sông nước, tuy nhiên muốn thưởng thức mùi nước chấm mặn mà thơm ngon, bạn phải cất công đến những quán ăn ở huyện Cần Đước, tỉnh Long An nhé.
5. Lẩu mắm
Đối với người miền tây, lẩu mắm là một trong những đặc sản ngon nhất và chỉ được đãi vào những dịp quan trọng hay nhà có khách quý. Nguyên liệu chính để làm nên một cái lẩu mắm gồm cá bông lau cắt khúc, thịt ba chỉ ngon, mực, tôm, đậu bắp, một ít mắm cá sặc và xương heo để làm nước dùng.
Thưởng thức lẩu mắm khi còn nóng, vị đậm đà của gia vị thấm đều trong thịt, cá làm người ta khó lòng mà quên được. Những gắp rau nhút, ngói súng ăn kèm lại càng tăng vị của món ăn. Muốn nếm thử vị thơm đặc trưng của mắm cá linh, nhất định bạn phải về miền Châu Đốc - An Giang, ghé vào bất kì một quán nào ven đường, người dân sẽ phục vụ bạn rất nhiệt tình đấy.
6. Bông súng mắm kho
“Muốn ăn bông súng mắm kho
Thì vô Đồng Tháp ăn cho đã thèm”
Từ xa xưa, bông súng mắm kho đã là món ăn quen thuộc của những người dân miền Tây mỗi mùa nước lên. Cũng giống như bông điên điển, bông súng bừng nở một góc trời, từ súng trắng đến súng tím đua nhau khoe sắc, không chỉ làm đẹp cho đất trời mà còn là món ăn dân dã, độc đáo của người dân nơi đây đã trở thành một phần của đặc sản miền Tây Nam Bộ.
Bông súng sau khi hái về được rửa sạch, ngắt thành cọng nhỏ để ráo nước. mắm kho là mắm cá sặc ngâm trong hũ sành có màu đỏ thẫm và mùi thơm quyến rũ. Mắm kho làm ba lần để trong và ngấm gia vị cùng với thịt ba chỉ bùi ngọt, ăn cùng bông súng giòn giòn hoặc một số loại rau tạo nên các món ăn đặc sản miền Tây. Bông súng mắm kho dân dã, bình dị nhưng không vì thế mà mất đi hương vị đặc trưng, hấp dẫn, là một trong những đặc sản mùa nước nổi thu hút.
7. Chuột nướng lu
Duy chỉ có ở miền đất sông nước này mới có món chuột nướng lu độc đáo, cuốn hút. Vùng đất màu mỡ miền Tây với phù sa bồi đắp, những cánh đồng thẳng tít tắp; hoa quả, lúa gạo hay hoa màu là thức ăn chính nên chuột đồng rất sạch, là những đặc sản miền Tây mùa nước nổi hấp dẫn.
Ngoài các món ăn quen thuộc như chuột hấp, chuột nướng mỡ chài, chuột khìa nước dừa… chuột nướng lu được du khách quan tâm hơn cả. Chuột được làm sạch, cắt móng, để ráo nước và ướp gia vị rồi đem quay trong lu khoảng một tiếng là vừa chín tới và ngon. Chuột lúc này thơm nức, vàng bóng, rất bắt mắt, bạn sẽ không còn cảm giác sợ sệt ban đầu khi nhìn thấy chúng nữa.
8. Gỏi sầu đâu cá sặc
Gỏi sầu đâu cá sặc quyện hoà trong hương vị thơm ngon của cá sặc, béo bùi của thịt ba chỉ và chút đắng nơi đầu lưỡi của lá sầu đâu. Cây sầu đâu là đặc sản miền sông nước mênh mông với hoa trắng nhỏ, vị đắng, nếu chưa quen cũng có phần khó ăn khi đến khám phá ẩm thực miền Tây.
Gỏi sầu đâu cá sặc là một trong những đặc trưng của nền văn hoá ẩm thực Khơ me, được lưu truyền từ Camphuchia sang. Món gỏi gồm có thịt ba chỉ, cá sặc, tôm, dưa chuột, xoài, rau thơm... nhưng đặc biệt nhất vẫn là nước chấm me chua ngọt rưới lên hỗn hợp nguyên liệu, khơi dậy mùi vị, cuốn hút thực khách. Gỏi có thể ăn chơi như các món gỏi của người miền Bắc, có thể ăn kèm với cơm nóng ấm bụng mỗi khi trời đổi gió hay những cơn mưa bất chợt.
9. Cá lăng kho khóm
Một đặc sản miền Tây mùa nước nổi không thể không kể đến màu này là món cá lăng kho khóm, khóm ở đây chính là trái dứa. Cá lăng là loài cá sống chủ yếu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, là loại cá da trơn và thường xuất hiện nhiều trong mùa nước. Đến miền tây dịp này, du khách sẽ bắt gặp những chiếc ghe, xuồng thả lưới bắt cá nhộn nhịp, cả một khoảng nước xôn xao.
Cá lăng ngọt nước, chở nặng sư tinh tuý của một vùng sông nước Cửu Long mênh mang, quyện hoà với vị chua thanh của dứa, thêm chút hành phi, gia vị đậm đà đã mang đến một đặc sản hấp dẫn. Ghé miền Tây, mải mê với những miệt vườn xanh mượt nhưng đừng quên thưởng thức cá lăng kho khóm gợi thương gợi nhớ, đặc sản miền sông nước hữu tình.
10. Ba khía muối
Ba khía muối là món ăn rất thân quen với người dân vùng sông nước miền Tây và đã đi vào bữa cơm hằng ngày của nhiều gia đình miền sông nước. Món ăn này là đặc sản nổi tiếng ở Bạc Liêu. Ba khía được gỡ bỏ vỏ, trộn đều với tỏi ớt, đường và chanh, chỉ đợi tầm 30 phút cho ngấm là ăn được. Món ăn đẫm vị ngọt của đường, vị chua của chanh, vị cay nồng của tỏi ớt, chỉ cần ăn với cơm trắng cũng đủ ngon.
Theo nhận xét của những người sành ăn, ba khía ngon là con ba khía có nhiều gạch (gạch son thì màu đỏ, gạch bùn thì màu xám, gạch giá thì màu trắng đục); thịt chắc, khi bẻ cái càng con ba khía ra, thịt không bị dính lại ngoe, càng. Và ba khía ngon nhất là loại ba khía đang ôm trứng.
Thường thì ba khía muối đúng một tuần là có thể vớt ra và trộn ướp gia vị ăn được. Đúng thời gian này, con ba khía muối ngon nhất, sớm hơn thì thịt ba khía chưa “chạy”, chậm hơn thì ba khía muối mất hết thịt. Khi lượng ba khía muối ở nhà để dành ăn từ từ hơi nhiều hoặc là chia ra các keo nhỏ cho cả nước muối vào rồi để vô tủ lạnh hoặc trộn ướp gia vị vừa ăn rồi để vào tủ lạnh ăn dần.
Miền tây là vựa cá đồng nổi tiếng khắp cả nước, được thiên nhiên ưu đãi sản vật nơi này vì thế rất phong phú và đa dạng, các món ngon ở miền tây đều liên quan chặt chẽ đến những sản vật đồng quê sẵn có. Trên đây, Toplist giới thiệu những món đặc sản ngon nhất không thể bỏ qua khi có dịp chu du miền sông nước. Nếu có dịp đến đây, đừng quên thưởng thức nhé!
Nhận xét
Đăng nhận xét